Khái quát đặc điểm tình hình tỉnh Lạng Sơn

 

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

 

1. Về vị tri địa lý, địa hình, đất đai

 

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, hẹp nhất là thành phố Lạng Sơn 77,94 km2, rộng nhất là huyện Đình Lập 1.189,56 km2. Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây là Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là tỉnh Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang và phía Bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ.

 

Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Lạng Sơn có đường biên giới với Quảng Tây - Trung Quốc dài trên 231 km. Lạng Sơn cách Nam Ninh là thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc khoảng 230 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km. 

 

Địa hình phức tạp, chủ yếu là núi thấp và đồi chiếm hơn 80%, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển, nơi thấp nhất là 20 m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1.541 m. Khu du lịch Mẫu Sơn được quy hoạch là khu du lịch Quốc gia, cách thành phố Lạng Sơn 31 km về phía Đông.

 

Khí hậu tỉnh Lạng Sơn tuy nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa nhưng có nét đặc thù của khí hậu á nhiệt đới, nền nhiệt không quá cao, có mùa đông tương đối dài và khá lạnh. Nhiệt độ trung bình từ 21 - 220C, lượng mưa từ 90 - 132 mm, độ ẩm từ 83 - 85%. Trong tổng số 8.310,09 km2 đất có 13,40% là đất sản xuất nông nghiệp, 69,13% là đất lâm nghiệp, 3,46% đất chuyên dụng, 0,98% đất ở. Hiện còn 94.513 ha đất chưa sử dụng, chủ yếu là núi đá chưa có rừng.

 

2. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên rừng: Có diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 512.559 ha, chiếm 61,6% diện tích đất tự nhiên. Tài nguyên khoáng sản không nhiều, trữ lượng các mỏ nhỏ, chủ yếu là mỏ đá vôi với khoảng 40 mỏ đang khai thác có tổng trữ lượng 405 triệu m3­­ để làm vật liệu xây dựng.

 

3. Dân số, đơn vị hành chính 

 

Dân số của tỉnh năm 2019 là 782.811 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (chiếm 79,54%). Tỉnh Lạng Sơn có 07 dân tộc, chủ yếu là: Nùng chiếm 41,91%, Tày 35,43%, Kinh 16,99%, Dao 3,5%, Hoa 0,29%, Sán chay 0,6%, Mông 0,17%, dân tộc khác 0,11%.

 

Tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 01 thành phố loại II; 200 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 181 xã, 05 phường và 14 thị trấn). Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.850 thôn, tổ dân phố (gồm 1.707 thôn, 143 tổ dân phố). Trong đó có 31 xã khu vực I, 57 xã khu vực II, 112 xã khu vực III; có 107 xã đặc biệt khó khăn, 04 xã an toàn khu, 03 xã biên giới, 83 thôn đặc biệt khó khăn của 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135.

 

II. VỀ KINH TẾ

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,45%, trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp tăng 1,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,76%; dịch vụ tăng 5,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,83%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 20,83%, công nghiệp - xây dựng 23,55%, dịch vụ 50,87%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,75%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015), tương đương 1.937 USD.

 

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện và đạt kết quả quan trọng. Tập trung hướng vào phát triển các vùng cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn tiên tiến; tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

 

Lĩnh vực trồng trọt có những chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất; sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 310 nghìn tấn. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có thế mạnh: Na diện tích 3.200 ha; thạch đen trên 2.500 ha; thuốc lá trên 2.200 ha; cây có múi 3.895 ha; rau các loại trên 8.000 ha; thông diện tích 108.000 ha; keo, bạch đàn trên 24.500 ha; hồi trên 25.000 ha, đang hình thành vùng cây nguyên liệu quế với diện tích gần 1.200 ha,...

 

Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch khá rõ nét, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ sang chăn nuôi trang trại, nâng cao giá trị gia tăng. Lĩnh vực thủy sản từng bước phát triển, nguồn lợi thủy sản được quan tâm bảo vệ. Phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang phát huy hiệu quả, bình quân hằng năm trồng rừng mới trên 10,3 nghìn ha, nâng độ che phủ rừng từ 54,5% năm 2015 lên 63% năm 2020. 

 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai có hiệu quả. Đã có 20 sản phẩm được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, cụ thể: Năm 2019, có 09 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận gồm: Trà Ô Long, Gạo nếp cái hoa vàng, Mật ong hương rừng xứ Lạng, Rượu men lá Mỏ Heo, Khoai lang Lộc Bình, Bún ngô Thuận Anh, Cao khô Vạn Linh, Tinh bột nghệ hữu cơ Hồng Nhung, Gạo bao thai hồng. 

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, kết hợp Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên. Năm 2020, toàn tỉnh có 74/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới (65/181 xã sau sáp nhập), tăng 61 xã so với năm 2015; số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã, tăng 5,3 tiêu chí/xã; có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng được 30 khu dân cư kiểu mẫu; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 

Kinh tế cửa khẩu tiếp tục khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Tập trung hoàn thiện hệ thống quy hoạch các khu chức năng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; huy động hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, hơn 12.000 tỷ đồng ngoài ngân sách Nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu.

 

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động trong công tác đối ngoại để nâng cao năng lực thông quan, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá qua địa bàn. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 5.500 triệu USD, bình quân hằng năm tăng 6,1%, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu giảm 1,6%.

 

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có chuyển biến tích cực. Tập trung quản lý và thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị được đẩy mạnh, hiện nay 100% các đô thị đã được lập, điều chỉnh quy hoạch chung; khoảng 35% quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực trung tâm đô thị, các khu chức năng đặc thù.

 

Hình thành một số khu dân cư, khu đô thị mới, như: Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Lạng Sơn; Khu tái định cư A Mai Pha; Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà phố thương mại của Tập đoàn Vingroup; tiếp tục phát triển các Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV, Khu đô thị Nam Hoàng Đồng... Công tác quản lý, đầu tư, chỉnh trang đô thị được quan tâm, cảnh quan đô thị ngày càng khang trang. Thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, thị trấn Đồng Đăng được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV.

 

Đã hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án quan trọng, như: Cầu 17/10; cầu Kỳ Cùng; tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng); đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; đường xuất nhập khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đấu nối với Khả Phong (Trung Quốc); một số tuyến đường đấu nối với đường tuần tra biên giới, đấu nối đường bộ qua biên giới tại các cửa khẩu.

 

Phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực; ước đến hết năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82%, tăng 12,1% so với năm 2015. Hệ thống công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, quản lý khai thác có hiệu quả đáp ứng cơ bản yêu cầu về nước sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn; có 99,9% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, tăng 2,9%; có 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 10%.
 

III. VỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI

 

Quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp ngày càng hợp lý. Đã sáp nhập được 55 cặp trường, giảm 172 điểm trường. Năm 2019, đã giải thể Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật tỉnh, chuyển chức năng, nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ, giáo viên của hai trường về Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn. 

 

Trong 5 năm có thêm 95 trường học đạt chuẩn quốc gia, hết năm 2020 toàn tỉnh có 225 trường đạt chuẩn. Hoạt động xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt việc phân luồng học sinh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hằng năm đào tạo trên 16 nghìn lao động, trong đó đào tạo nghề khoảng 11,8 nghìn người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 43,4% năm 2015 lên 55% năm 2020 (trong đó đào tạo nghề tăng từ 38% lên 47,5%).

 

Công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên; công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân được đẩy mạnh. Hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (700 giường), Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt y tế tuyến xã. Hết năm 2020 có 164/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (145/200 xã, phường, thị trấn sau sáp nhập), đạt 72,6%; có 11 bác sỹ và 30,7 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 98%. 

 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phát triển sâu rộng. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa, thôn, tổ dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa ngày càng cao. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Việc khôi phục một số phong tục, tập quán lành mạnh, tiếng dân tộc và các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy; toàn tỉnh có hơn 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng và Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng tiếp tục phát triển; thể thao thành tích cao đạt kết quả đáng khích lệ. Hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, văn học - nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ kịp thời nhu cầu của Nhân dân. 

 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,95% năm 2015 xuống còn 7,89% năm 2020, bình quân hằng năm giảm 3,61%. Trong 5 năm, đã giải quyết việc làm mới cho 72,2 nghìn lao động. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công, chăm sóc và bảo vệ trẻ em... được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. 
 

 

IV. MỘT SỐ MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN 2025

 

Từ năm 2020 đến 2025, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu sau:

 

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 7 - 7,5%. 

 

(2) Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2025 là: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản 17 - 18%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng 25 - 26%; khu vực Dịch vụ 52 - 53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4 - 5%.

 

(3) GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 2.900 - 3.000 USD.

 

(4) Lượng khách du lịch đến năm 2025 đạt 4.400.000 lượt người; doanh thu du lịch đạt 5.200 tỷ đồng. 

 

(5) Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân 8 - 9%.

 

(6) Thu nội địa tăng bình quân 8 - 9%.

 

(7) Tổng vốn đầu tư xã hội cả giai đoạn là 166 - 168 nghìn tỷ đồng.

 

(8) Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 115 xã.

 

(9) Đến năm 2025 tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80%.

 

(10) Số trường học đạt chuẩn quốc gia đến 2025 là 300 trường.

 

(11) Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn đến năm 2025 là 60%.

 

(12) Đến năm 2025 số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã là 200 xã; có 11,5 bác sỹ và 32,3 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%.

 

(13) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 65%.

 

(14) Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 (theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020) là < 3%.

 

(15) Giảm tai nạn giao thông hằng năm cả 3 tiêu chí ≥ 5%; giảm phạm pháp hình sự hằng năm ≥ 3%.

 

(16) Trồng rừng mới hằng năm đạt 9.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 65%.

 

(17) Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 99%.

 

(18) Đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý đạt 97%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

 

(19) Kết nạp đảng viên mới hằng năm là 2.000 đảng viên.

 

(20) Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 90%; Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 90%; tỷ lệ đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 95%.