Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024

Chiều tối 02/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh.

 

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

 

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay, NGKT đã đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng, trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập. Các bộ, ngành phối hợp triển khai 16 FTA đã ký kết, thúc đẩy đàm phán CEPA với UAE, các FTA với EFTA, Mercosur..., tích cực vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, chủ động, tích cực tham gia và đóng góp trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, Mekong, G7, G77, WEF..., thúc đẩy các sáng kiến và khả năng hợp tác mới, tham mưu chủ trương tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, bảo đảm lợi ích quôc gia. Các hoạt động NGKT đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân chủ quan, xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, sát thực tiễn, để tăng cường và tạo đột phá đối với các trọng tâm của NGKT thời gian tới, đưa NGKT trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của đối ngoại, trở thành động lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động trên tinh thần 3 cùng: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh "3 phát huy": phát huy thế và lực của đất nước để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh NGKT, ngoại giao văn hóa, giao lưu Nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Thủ tướng cũng chỉ rõ 4 định hướng lớn với NGKT thời gian tới là: tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới, các lĩnh vực mới và mang tính đột phá; khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết; đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng yêu cầu, các chủ thể chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam; đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết; củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác; tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới; nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội…/.

 

Khánh Ly

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết