A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn: Cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân

        Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người dân, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Bắc Sơn đã làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình khuyến nông. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân trên địa bàn.

ss

Người dân xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn (bên phải) giới thiệu về con bê sinh từ phương pháp thụ tinh nhân tạo cải tạo đàn bò với phóng viên

          Hiện nay, TTDVNN huyện có 12 biên chế gồm 1 lãnh đạo và 11 viên chức thuộc 4 bộ phận chuyên môn. Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Những năm qua, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được trung tâm chú trọng thực hiện thông qua việc triển khai các mô hình nông nghiệp. Theo đó, dựa vào lợi thế của địa phương, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; phân công cán bộ phụ trách để tư vấn, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn người dân ứng dụng vào sản xuất.

          Điển hình, năm 2021, TTDVNN huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại 2 xã Tân Lập và Tân Hương với quy mô 200 con bò cái. Theo đó, người dân tham gia mô hình được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và thụ tinh nhân tạo. Kết quả triển khai mô hình cho thấy, bê sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được cải thiện rõ rệt về tầm vóc và khả năng kháng bệnh.     Từ thành công đó, từ năm 2022 đến nay, trung tâm đã tiếp tục thực hiện nhân rộng ra 14 xã trên địa bàn huyện với tổng số 306 con.

          Ông Đoàn Minh Quang, thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn cho biết: Trước đây, khi chưa biết đến phương pháp cải tạo đàn bò, tôi chủ yếu nuôi bò cho sinh sản tự nhiên nên bê sinh ra tầm vóc nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2021, tôi tham gia mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tổng số 3 con bò cái và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo. Theo đó, 3 con bò cái đều được thực hiện thành công, đến giữa năm 2022, cả 3 con bò đều đã sinh bê. Trong quá trình chăn nuôi, tôi nhận thấy bê sinh ra bằng phương pháp này rất khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, tầm vóc cao lớn hơn so với bê thường, giá bán cao. Cụ thể, 1 con bò lai được 7 tháng tuổi đạt gần 10 triệu đồng/con (cao gấp đôi so với bò địa phương cùng tuổi). Vì vậy, năm 2023, tôi tiếp tục thực hiện phương pháp này trong chăn nuôi.

          Đây chỉ là một điển hình về việc người dân được chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Không chỉ có cải tạo đàn bò, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn được trung tâm chuyển giao trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, TTDVNN huyện đã triển khai được 20 dự án, mô hình khuyến nông về lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi như: mô hình sản xuất giống lúa thuần DT66; mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong thâm canh quýt; mô hình cải tạo và phát triển đàn dê…

          Để thực hiện các mô hình trên, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, TTDVNN huyện đã chú trọng công tác tập huấn. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã tổ chức 19 cuộc tập huấn, phát hơn 6.200 tài liệu trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân.

          Đặc biệt, năm 2022, trung tâm đã tổ chức thành công 5 chương trình khuyến nông phiên chợ, tư vấn trên 600 lượt người, cấp phát 650 tờ rơi, tuyên truyền phổ biến ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Trong năm 2023, chương trình được trung tâm thực hiện mở rộng tại chợ của 8 xã: Tân Thành, Tân Tri, Vũ Lễ, Vũ Sơn, Nhất Hoà, Vũ Lăng, Nhất Tiến, Trấn Yên, thu hút 970 lượt người tham dự, phát trên 1.000 tờ rơi tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân.

          Nhờ thực hiện những giải pháp thiết thực trên đã tạo điều kiện giúp người dân có kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và được cán bộ “cầm tay, chỉ việc” thông qua thực hiện các mô hình khuyến nông. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất, hình hành vùng hàng hóa chất lượng. Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 962,5 tỷ đồng (năm 2016) lên hơn 1.300  tỷ đồng (năm 2022).

          Nhờ những đóng góp trên, tháng 8/2023, TTDVNN huyện Bắc Sơn là trung tâm duy nhất của tỉnh nhận giấy khen của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông.

Nguồn:baolangson.vn

 


Nguồn:tuyentruyen.langson.gov.vn Sao chép liên kết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết