Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”
Sáng 19/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, một số huyện, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 03/4/2023, với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 các địa phương sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thảnh khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai khoảng 288.500 căn.
Tại hội nghị, các bộ, ngành địa phương đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án và nêu lên các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện liên quan đến công tác quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai 10 nhiệm vụ của Đề án với tinh thần trách nhiệm cao, đề xuất các giải pháp thiết thực hiệu quả, huy động các nguồn lực tham gia. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát hoàn thiện thể chế, sửa đổi cơ chế chính sách về nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện thực tế. Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở theo quy định và phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện; chủ động dành quỹ đất và khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Thùy Linh